Và mới ngày hôm kia, tôi có dịp vào một quán Phúc Long tại trung tâm quận 1 khi có hẹn với một vài người bạn. Cảm nhận của tôi là cơ sở vật chất nơi đây khá xuống cấp, dịch vụ cũng không như mong đợi. Nhưng một vài trải nghiệm chưa tích cực của tôi tại đây không thể phủ nhận sự thành công của một thương hiệu chuỗi thức uống Việt, nằm trong Top những thương hiệu thức uống đình đám hiện nay.
Nói về thành công của Phúc Long, cuối tháng 5/2021, Công ty TNHH The Sherpa - một công ty thành viên của tập đoàn Masan (MSN) đã ký kết thỏa thuận mua lại 20% vốn tại Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage - chủ sở hữu thương hiệu Phúc Long với mức giá 15 triệu USD. Sự sáp nhập này sẽ tạo nên một cục diện mới trên thị trường trà và cà phê Việt Nam, đồng thời giúp Masan tiếp tục thực tthi chiến lược phát triển hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life của mình. Theo Masan thì nền tảng Point-of-life sẽ mang đến trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online, là điểm đến “tất cả trong một” phục vụ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe, chiếm đến 80% chi tiêu của người tiêu dùng. Và hiện nay, hệ sinh thái “Point of Life” đang giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí trong một lần có thể mua sắm mặt hàng nhu yếu phẩm (WinMart+), thức uống trà+cafe (Phúc Long), dịch vụ tài chính ngân hàng tự động (Techcombank), chăm sóc sức khỏe (Phano Vmart) và mạng di động (Reddi).
Đến đầu năm nay 2022, tập đoàn Masan đã chi thêm 110 triệu USD mua 31% cổ phần của chuỗi trà và cà phê Phúc Long, qua đó nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu Phúc Long lên 51%. Giữa năm ngoái, Phúc Long được định giá 75 triệu USD thì nay định giá vốn cổ phần của Phúc Long đã tăng gần 5 lần, lên 355 triệu USD.
Trong khuôn khổ thỏa thuận, Phúc Long và Masan sẽ cùng phát triển mô hình "Kiosk Phúc Long" thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+trên toàn quốc, tiếp cận chục triệu khách hàng đồng thời mở thành công 1000 kioks, chuyển đổi các cửa hàng VinMart+ thành điểm đến cho mọi nhu cầu thiết yếu ở mọi lứa tuổi.
Thương vụ cũng góp phần thúc đẩy tiến trình xâm nhập thị trường Mỹ của Phúc Long. Sự khác biệt trong văn hóa phương Tây và phương Đông, khó khăn trong các khâu kiểm duyệt, thương hiệu đã nhanh chóng xuất hiện với cửa hàng đầu tiên tại quốc gia này vào tháng 7 vừa qua. Với những bước chuyển mình ấn tượng đầu tiên, Phúc Long kỳ vọng mạnh mẽ trên hành trình quảng bá thương hiệu Việt Nam chất lượng cao, không chỉ đơn thuần là khát vọng mở rộng thị trường và phát triển bền vững trở thành công ty chuyên sản xuất, xuất khẩu trà, cà phê có giá trị cao tại Việt Nam mà còn là mong muốn tạo nên một thương hiệu Việt với đẳng cấp và chất lượng được thể hiện trong từng sản phẩm, qua đó từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Không nhiều người biết rằng Phúc Long đã có tuổi đời hơn 50 năm. Được thành lập năm 1968 bởi ông Lâm Bội Minh tại cao nguyên chè danh tiếng Bảo Lộc, cửa hàng bán lẻ sản phẩm Phúc Long đầu tiên được đặt tại số 134 đường Tổng Đốc Phương (ngày nay là đường Châu Văn Liêm, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh). Đầu thập niên 80, Phúc Long tiên phong mở mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực kinh doanh trà và cà phê (mô hình tự phục vụ) với cửa hàng đầu tiên tại số 63 Mạc Thị Bưởi, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiếp sau đó, Phúc Long đã mở thêm cửa hàng thứ 3 trên đường Đồng Khởi, gần Times Square hiện nay với lượng khách hàng vô cùng đông đúc và được nhiều người sành trà và cà phê biết đến. Năm 2007, Phúc Long sở hữu đồi chè tại Thái Nguyên. Đồng thời cũng trong năm này, Phúc Long đầu tư nhà máy chế biến trà và cà phê tại Bình Dương.
Sau thành công của mô hình kinh doanh mới, năm 2012, Phúc Long đã khai trương cửa hàng tại một trung tâm thương mại ở Quận 7, qua đó chính thức gia nhập ngành bán lẻ và dịch vụ đồ ăn và thức uống. Sự xuất hiện của chuỗi cà phê Phúc Long hiện diện không lâu sau khi Starbucks đặt dấu chân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam vào năm 2013, rõ ràng là để đối đầu trực tiếp với 'gã khổng lồ' Mỹ.
3 năm sau, Phúc Long phát triển lên 10 cửa hàng tại các vị trí đắc địa ở TP.HCM, từng bước khẳng định thương hiệu trong phân khúc sản phẩm và thức uống trà và cà phê. Năm 2018, Phúc Long xây dựng nhà máy thứ 2 tại Bình Dương, đồng thời mở rộng quy mô lên 42 cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội. Tại thời điểm đó, thức uống đầy sáng tạo của Phúc Long đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ Việt Nam.
Sau khi xây dựng nền tảng vững chắc ở TP.HCM, đầu năm 2019, Phúc Long quyết định "Bắc tiến" với cửa hàng đầu tiên, nằm cùng tòa nhà với Starbucks Việt Nam và Highlands Coffee. Sau khi "gây sốt" với cảnh rồng rắn xếp hàng chờ mua trà sữa, cà phê... tại cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội, tốc độ mở rộng của chuỗi của Phúc Long khá nhanh. Tính đến tháng 3/2021, tức trước thời điểm bắt tay với Masan, Phúc Long có hơn 70 cửa hàng, tập trung chủ yếu tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Nha Trang…
Đến cuối tháng 3/2022, Phúc Long có 78 cửa hàng lớn, 13 cửa hàng nhỏ và 760 kiosk. Công ty đặt mục tiêu trong năm nay sẽ mở mới 100 cửa hàng lớn, 400 kiosk tại các điểm bán của Winmart+. Công ty cũng cho biết sẽ bổ sung thêm các dòng cà phê tại những cửa hàng lớn và xây dựng thực đơn mới cho các kiosk với giá phải chăng hơn để tăng lưu lượng khách hàng.… Hiện tại Phúc Long hoạt động trên 2 lĩnh vực là:
Báo cáo tài chính quý đầu năm của Tập đoàn Masan (MSN) đã hợp nhất kết quả kinh doanh của chuỗi trà sữa Phúc Long sau khi tăng sở hữu tại đây lên 51% vào tháng 1/2021. Tổng doanh thu hai tháng gần nhất của chuỗi này đạt 257 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 10% trong kế hoạch doanh thu cả năm 2.500-3.000 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn, Phúc Long báo lãi gộp hai tháng gần nhất đạt 176 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất sinh lời 68,6% - cao nhất trong số các đơn vị thành viên của Masan.Phúc Long đóng góp 1,4% vào tổng doanh thu của Masan trong quý đầu năm, nhưng chiếm đến 3,5% lợi nhuận gộp. EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) của chuỗi đạt 47 tỷ đồng. 70% doanh thu của Phúc Long trong giai đoạn này đến từ các cửa hàng lớn. 14% từ các kiosk nằm trong chuỗi cửa hàng WinMart+ và còn lại đến từ cửa hàng nhỏ, kênh bán hàng qua doanh nghiệp.
Không ít người đặt câu hỏi về lý do đằng sau sự thành công của Phúc Long. Theo quan sát và thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn, một số lý do sau đây có thể là nguyên nhân của sự thành công vượt bậc nói trên
Nếu như Starbucks và The Coffee Bean & Tea Leaf định vị thương hiệu cao cấp, nhắm tới tằng lớp văn phòng thu nhập cao và khách nước ngoài vốn đã quen với khẩu vị của cà phê ngoại; Trung Nguyên định vị thương hiệu tầm trung nhưng xác định rõ phân khúc khách hàng yêu thích hương vị cà phê truyền thống, còn Phúc Long hướng đến tệp khách hàng đa dạng hơn, từ người đi làm, khách du lịch cho đến giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Đối mặt với tình hình chung trên toàn cầu có sự chững lại ở các ngành hàng khác sau đại dịch, các sản phẩm hương cà phê và trà vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo báo cáo của Business Wire, tổng doanh thu ngành cà phê và trà dự đoán sẽ phục hồi với tốc độ tăng trưởng trung bình 9.0% hàng năm và đạt 191.1 tỷ USD vào năm 2023. Theo ước tính, tổng tiêu thụ trà và cà phê tại Việt Nam vào khoảng 2,3 tỷ USD, dự kiến tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Trong đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ trà và cà phê có thương hiệu chỉ chiếm 25%, bao gồm các thương hiệu lớn như Highlands Coffee (trên 300 cửa hàng), The Coffee House (trên 150 cửa hàng) và Starbucks (trên 70 cửa hàng). Điều này đồng nghĩa, nếu định hướng tiếp cận khách hàng đa dạng, Phúc Long sẽ dễ dàng hơn trong việc tấn công vào nhóm 75% thị phần còn lại.
Hành vi của người tiêu dùng có sự chuyển dịch rõ rệt trong những năm gần đây, đặc biệt sau dịch Covid, khi quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Vì vậy, họ ưu tiên hơn các loại trà tự nhiên, có lợi cho sức khỏe thay vì sử dụng đồ uống hương vị hấp dẫn nhưng có nguồn gốc hóa chất, chứa phụ gia, chất kích thích…
Phúc Long sở hữu đồi chè và nhà máy sản xuất tại Thái Nguyên và Bảo Lộc (Lâm Đồng) - những nơi được xem là lãnh thổ trà trứ danh của Việt Nam và ở Bình Dương. Nhờ vậy các sản phẩm trà và cà phê của Phúc Long đều đạt chất lượng tuyệt hảo, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi đi siêu thị, rất dễ bắt gặp sản phẩm trà và cà phê của Phúc Long trên kệ. Không chỉ vậy, trà xanh và trà đen Phúc Long cũng được thị trường nước ngoài như Mỹ, Indonesia, Philippines, Nhật Bản yêu thích.
Việt Nam là một trong số những quốc gia nổi tiếng về trà. Do đó, gu thưởng thức của người Việt về nhóm thực phẩm này cũng trở nên khó tính, khắt khe hơn. Cũng nhờ sở hữu đồi chè, hệ thống trang trại và nhà máy, nơi chế biến mà trà sữa của Phúc Long béo vị sữa vẫn đậm vị trà. Theo nhận xét của nhiều người, hương vị của Phúc Long được ưa chuộng bởi đậm đà và khác biệt.
Thực đơn thức uống của Phúc Long rất phong phú, và đa dạng, nhanh chóng bắt kịp xu hướng và sở thích của người dùng. Không như những chuỗi thức uống khác chỉ tập trung vào trà hoặc cafe, không có các loại thức uống hoa quả do phức tạp trong khâu vận hành và lưu trữ, bảo quản, tại Phúc Long Coffee & Tea, khách hàng sẽ được đáp ứng đầy đủ từ trà, cafe đến các loại thức uống sinh tố bổ dưỡng cho sức khỏe. Khách hàng yêu thích trà sữa cũng có thể dễ dàng tìm thấy những món trà sữa đang làm mưa làm gió trên tthị trường Đặc biệt hương trà Phúc Long thơm man mát vị sương sớm, trà đậm vị nhưng không hề chát hay có cặn. Khác biệt với các thương hiệu trà sữa trên thị trường, Phúc Long không dùng các loại trân châu hay mứt công nghiệp, thạch xanh đỏ hay cho quá nhiều đường. Rất nhiều món đặc biệt đã làm nên tên tuổi của thương hiệu này. Với đồ uống vị cà phê, các thức uống nổi bật có thể kể đến như caramel coffee, rich milk, cappuccino, cà phê vanilla, cà phê bạc hà đá xay…
Không dừng lại ở việc chỉ bán vài món ăn qua loa, Phúc Long còn bán nhiều loại snack khác nhau như các loại trái cây sấy, hạt điều, nho khô. Thực khách cũng có thể gọi thêm nhiều loại bánh khác nhau như croissant hay còn gọi dân dã là bánh con cua, bánh trà xanh, chanh dây hay Tiramisu...
Phúc Long hướng đến đối tượng khách hàng đa dạng, từ người đi làm, khách du lịch đến học sinh, sinh viên nên giá bán của hãng ở mức tầm trung, phù hợp túi tiền của đại đa số người dân. Như trà sữa, cùng là loại sản phẩm có độ hot trên thị trường nhưng Phúc Long lại bán giá khá mềm. Một ly trà chỉ dao động trong khoảng từ 25.000 – 45.000 đồng/ly, bằng 50 -70% so với giá bán của Trung Nguyên và 30 – 50% của Starbucks, The Coffee Bean, Tea Leaf. Có thể tham khảo thông tin giá chi tiết như bên dưới:
Thực đơn và chính sách giá bán của Phúc Long được xây dựng hợp lý dựa trên thế mạnh sẵn có là trà và cà phê. Sự chủ động về nguồn nguyên liệu do Phúc Long sở hữu sẵn hệ thống trang trại, nhà máy, nơi pha chế, cửa hàng nên chi phí sản phẩm đến tay người tiêu dùng không bị đội lên.
Thêm vào đó, Phúc Long thường xuyên có các chương trình ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng như tặng thẻ VIP, tặng voucher, ưu đãi khi mua thẻ quà tặng, tặng trà ủ lạnh hoặc Free upsize, giảm tiền khi thanh toán bằng mã QR…
Phúc Long có mặt ở khắp mọi nơi nên bất kì ai đều có thể uống trà và cà phê Phúc Long mà không phải xếp hàng chờ đợi như xưa nữa. Không gian Phúc Long ấm cúng, bàn ghế xếp theo nhóm, kiến trúc cao tầng, không gian rộng rãi, thời gian mở cửa sớm, đóng cửa muộn giúp khách hàng dễ thưởng thức vào các khung giờ thuận tiện. Ngoài ra hãng cũng trang trí quán theo mùa hoặc các dịp lễ quan trọng trong năm với concept trẻ trung, bát mắt. Tất cả nhân viên phục vụ tại Phúc Long đều mặc đồng phục quán cafe, vui vẻ, thân thiện và nhiệt tình hỗ trợ khách hàng.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, Phúc Long có mặt ở các địa điểm trung tâm, đông người qua lại, thậm chí còn ở rất gần kề các đối thủ. Trong năm 2018, khi Phúc Long mở rộng địa bàn, lần đầu tiến quân ra Hà Nội, hãng đã chọn khai trương tại trung tâm thương mại IPH Cầu Giấy. IPH không phải là lựa chọn sáng suốt nhất nhưng cũng gần các khu văn phòng và trường đại học. Đây sẽ là bước đệm trong việc mở rộng chi nhánh của mình bao quanh Hà Nội.
Thương vụ với Masan đã mang lại nhiều cơ hội cho Phúc Long. Trước khi về tay Masan, dù doanh thu cao, song lợi nhuận sau thuế của Phúc Long chỉ khoảng vài tỷ đồng. Đơn cử năm 2019 chuỗi đồ uống này ghi nhận lãi 20 tỷ đồng, trước đó năm 2018 là 4 tỷ đồng và 2 tỷ đồng lãi năm 2017. Doanh thu tăng trưởng đều và chưa ghi nhận lỗ, nhưng đáng lưu ý biên lợi nhuận gộp của Phúc Long cũng chỉ rơi quanh mức 35%, khá thấp nếu so với Highlands Coffee 68% và The Coffee House khoảng 70%.
Tuy nhiên, sau một năm có sự tham gia của Masan Group, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, Phúc Long đã ghi nhận biên lợi nhuận gộp tăng gấp đôi lên 68,6% và biên EBITDA đạt 18,3%.
Ngay sau về với Masan, Phúc Long cũng đã được Techcombank bơm hơn 300 tỷ đồng. Trong đó, khoản tín dụng 250 tỷ đồng có thời hạn 12 tháng, nhằm tài trợ chi phí đầu tư mở rộng mạng lưới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thêm 100 tỷ đồng trong hạn mức tín dụng để Phúc Long bổ sung vốn lưu động. Ngoài ra, Phúc Long cũng sẽ được thừa hưởng hệ thống cửa hàng bán lẻ nhiều nhất Việt Nam của WinCommerce, đồng thời là tập khách hàng khổng lồ đến từ các chuỗi WinMart/WinMart+. Trong suốt năm 2021, Masan đã đẩy nhanh mô hình "mini-mall" qua sự kết hợp của kiosk Phúc Long với WinMart+..
Theo Masan, trong năm tài chính 2022, doanh thu chuỗi Phúc Long sẽ đạt 2.500 - 3.000 tỷ đồng, nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và ki-ốt trong WinMart+ cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê. Việc chuyển đổi siêu thị và cửa hàng WinMart và WinMart+ thành các điểm bán trong chiến lược Point of Life (*) được cho là sẽ giúp gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Hiện chuỗi bán lẻ này cũng bắt đầu triển khai mô hình nhượng quyền nhằm gia tăng số lượng điểm bán thuộc kênh phân phối hiện đại.
Năm nay, Masan có kế hoạch mở mới 100 cửa hàng flagship, 400 kiosk tại các điểm bán của WinCommerce. Phúc Long Heritage tiếp tục chiếm lĩnh vị thế dẫn đầu tại các thành phố lớn cũng như đẩy nhanh việc mở kiosk tại các đô thị loại 2.
Đối với các cửa hàng flagship, để nâng cao giá trị thương hiệu, Phúc Long sẽ bổ sung thêm danh mục sản phẩm các thương hiệu cà phê. Trong khi các kiosk, Phúc Long Heritage dự kiến xây dựng thực đơn mới với mức giá phải chăng giúp tăng lưu lượng khách hàng tại các điểm bán của WinCommcerce.
Vivian Hồng Ngọc Nguyễn - Tổng hợp từ các nguồn trên Internet
(*): Nền tảng Point-of-life của Masan sẽ mang đến trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online, là điểm đến “tất cả trong một” phục vụ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe, chiếm đến 80% chi tiêu của người tiêu dùng.
Hiện nay, hệ sinh thái “Point of Life” đang giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí trong một lần có thể mua sắm mặt hàng nhu yếu phẩm (WinMart+), thức uống trà+cafe (Phúc Long), dịch vụ tài chính ngân hàng tự động (Techcombank), chăm sóc sức khỏe (Phano Vmart) và mạng di động (Reddi).
Tham khảo:
Công Ty Cổ Phần IzzyMe
116 Nguyễn Văn Thủ
P. Đa Kao, Q1, TP.HCM
E-mail: admin@izzyme.com